Tôi nghĩ rằng cà phê Congo là một câu chuyện thần thoại.
Tôi đã nghe thấy những lời này trong buổi hội thảo được tổ chức bởi một nhà rang xay lớn ở New York. Người hướng dẫn đã chia sẻ lại với tôi ý trên khi biết tôi đang nhập khẩu các loại cà phê ngon từ Cộng hòa Dân chủ Congo (còn được gọi là DRC hoặc Congo). Cô ấy nghĩ rằng cà phê Congo là một huyền thoại vì sự độc đáo của nó dù chưa từng được tận mắt chứng kiến. Mặc dù đã nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực cà phê nhiều năm nhưng vì chưa bao giờ cô ấy được thưởng thức cà phê Congo nên tâm trí cô hoàn toàn mơ hồ. Mighty Peace Coffee – mô hình của tôi còn khá mới mẻ nhưng tôi đã rất sốc khi nghe cô ấy nói vậy dù vẫn biết cà phê của Congo hầu như không có mặt trên thị trường.
Theo lời giải thích của cô ấy, cà phê Congo từ trước đến nay hầu như không thấy trong thực đơn của các quán cà phê và tờ chào hàng của các nhà nhập khẩu. Những người biết đến cà phê Congo rất mong muốn có cơ hội thưởng thức thường xuyên nhưng họ đều nhận lại sự thất vọng vì tình trạng thiếu hàng và sự khó khăn trong khâu vận chuyển từ Congo. Một số nhà nhập khẩu và rang xay đều cho rằng nếu có thể xử lý được vấn đề vận chuyển, như chúng tôi đã làm ở Mighty Peace Coffee, thì cà phê Congo sẽ trở thành mặt hàng được ưa chuộng ở Mỹ.
Sự thật và Hư cấu
Huyền thoại về cà phê Congo có mối liên hệ ít nhiều với đất nước Cộng hòa Dân chủ Congo. Thực tế là con người và phong cảnh ở đó đã thu hút nhiều người trong nhiều thế kỷ, trong số đó có các nhà văn, nhà làm phim như Joseph Conrad với tác phẩm Heart of Darkness (tạm dịch là “Trái tim bóng tối”) xuất bản năm 1899. Bộ phim lấy cảm hứng từ nỗi kinh hoàng của ông khi chứng kiến Congo dưới thời kỳ cai trị bởi Vua Leopold II của Bỉ. Hay như chính sách chặt tay những người Congo không đáp ứng hạn ngạch sản xuất cao su trở thành chủ đề cho một bộ phim do Ben Affleck sản xuất. Virunga, một trong những công viên quốc gia nổi tiếng nhất của Cộng hòa dân chủ Congo và cũng là ngôi nhà của những chú khỉ đột núi có nguy cơ tuyệt chủng, là chủ đề của một bộ phim tài liệu được phát hành trên Netflix vào năm 2014. Người đoạt giải Oscar Ryan Gosling đã đến Congo và làm nhiếp ảnh gia cho Congo Stories, một cuốn sách được xuất bản năm 2018 kể về những câu chuyện của các nhà hoạt động xã hội và lãnh đạo Congo. Người đoạt giải Quả cầu vàng, Robin Wright, đã thuật lại When Elephants Fight, một bộ phim tài liệu từng đoạt giải thưởng do Chủ tịch của Mighty Peace Coffee – JD Stier sản xuất, nói về vai trò của các công ty công nghệ đối với tính minh bạch của chuỗi cung ứng trong lĩnh vực khai thác. Sông Congo, con sông lớn thứ hai ở châu Phi sau sông Nile và khu rừng nhiệt đới vốn được biết đến là lớn thứ hai trên thế giới sau Amazon, từ lâu đã thu hút những nhà thám hiểm và người kể chuyện, những người đã góp phần tạo nên huyền thoại Congo.
Kết quả là, khi nói đến Congo, sự thật và hư cấu thường xung đột với nhau.
Trong bối cảnh cà phê toàn cầu
Theo dữ liệu về vị trí hiện tại của quốc gia này trong bối cảnh cà phê toàn cầu, người ta ước tính hơn 70% cà phê Congo được nhập lậu vào các nước láng giềng, đáng chú ý nhất là Rwanda và Uganda, nơi nông dân Congo có thể kiếm được nhiều tiền hơn 15% so với khi họ bán trong nước. Vấn đề này chỉ giải thích một phần lý do tại sao đóng góp của Congo vào xuất khẩu cà phê toàn cầu đứng ở mức thấp, chỉ 0,14% ở thời điểm viết bài này.
Chi phí vận hành là một phần quan trọng của vấn đề, con số này cao hơn từ 66% đến 133 % ở Cộng hoà dân chủ Congo nếu so với Uganda. Trong một ngành công nghiệp mà các bên liên quan trong toàn bộ chuỗi giá trị lo lắng về tỷ suất lợi nhuận thấp, việc chi phí quá cao đã giải thích lý do vì sao nhiều người tránh xa Congo.
Trong khi một số đối tượng hoàn toàn tránh, thì một số khác đã và đang đầu tư vào cà phê và cơ sở hạ tầng của Congo. Tổ chức phi lợi nhuận Eastern Congo Initiative, Quỹ Howard Buffett, USAID, UKAID, ELANRDC, Starbucks và nhiều tổ chức khác đã tài trợ nghiên cứu, xây dựng các trạm rửa cà phê và cung cấp chương trình đào tạo cho các hợp tác xã và nông dân trồng cà phê. Higher Grounds ở Michigan và Counter Culture ở Bắc Carolina là một trong những đơn vị sớm áp dụng các hoạt động trên ở Mỹ. Saveur du Kivu – lễ hội cà phê đầu tiên của Congo được tài trợ bởi Higher Ground, là cơ hội lớn cho nông dân và hợp tác xã trồng cà phê chia sẻ vụ mùa mới nhất của họ với những người mua cà phê quốc tế.
Cà phê Congo có hương vị phong phú, thay đổi từ hương trái cây (với mận đỏ, dưa đỏ, quả hạch, anh đào và cam thảo) cho đến hương vị kem (với socola trắng, vani và hạt phỉ), phù hợp để thưởng thức nguyên bản, thậm chí còn là sự bổ sung tuyệt vời cho các dòng cà phê Blend (pha trộn). Núi lửa, độ cao, hồ Kivu và đất đai màu mỡ là điều kiện lý tưởng để cà phê Congo được một số nhà rang xay so sánh chúng với các loại cà phê tuyệt vời của Guatemala và Ethiopia. Tôi tin đó là minh chứng rõ nét cho xu hướng so sánh cái mới với cái chúng ta đã quen thuộc. chúng tôi hy vọng những so sánh này sẽ chấm dứt và mọi người sẽ nhìn nhận cà phê Congo theo cách riêng chứ không liên quan đến các loại cà phê ngon khác.
Tầm nhìn về tăng trưởng
Cà phê Congo sẽ trở nên phổ biến hơn trong thời gian tới. Các nhà phân phối trong nước đang tìm cách nhập khẩu nhiều hơn và chúng tôi nhận được khá nhiều yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về chuỗi cung ứng của Mighty Peace Coffee. Chúng tôi cũng nghe nói về các khoản đầu tư và sáng kiến cho cà phê Congo từ Nespresso và một số nhà phân phối khác.
Là một người Congo nhập cư hiện đang sinh sống ở New York, tôi luôn mong muốn cà phê của đất nước mình được sử dụng cho các thương hiệu cà phê lớn trên đất Mỹ. Tôi nỗ lực để biến điều này thành hiện thực vì ngành công nghiệp cà phê có thể là chất xúc tác để phát triển kinh tế toàn diện, bằng cách tạo ra nhiều cơ hội việc làm, từ đó phát triển công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Đó là lý do chúng tôi khởi nghiệp với ngành công nghiệp cà phê.
Tầm nhìn về tăng trưởng kinh tế sẽ thành hiện thực thông qua cà phê Congo.
Tác giả
Jim Ngokwey