Tôi nhớ đã phải tới sân bay rất gấp để đi Guatemala City – thủ phủ của đất nước cùng tên nằm ở vùng Trung Mỹ. Chuyến bay của tôi cất cánh từ Chicago, ghé qua Miami và hành lý của tôi bị thất lạc sau khi “transit”. Tôi dành nhiều ngày để đi bộ tới Antigua chỉ với duy nhất một bộ quần áo trên người mặc dù nếu chạy xe trên đường cao tốc có thể chỉ mất hơn 30 phút, hai thành phố không quá khác xa nhau.

Guatemala City được xây mới hoàn toàn đã hơn một thế kỉ từ sau trận động đất kinh hoàng năm 1917 – 1918. Thảm hoạ này cũng gây hư hại cho nhiều công trình kiến trúc ở Antigua, trong đó có nhiều công trình mang tầm lịch sử, sau này tổ chức UNESCO đã xếp hạng di sản thế giới một số tàn tích để bảo tồn những gì còn xót lại sau thiên tai. Nét kiến trúc ở đây chủ yếu mang nét Baroque của Tây Ban Nha với những con đường lát đá cuội, những toà nhà sơn màu sáng là minh chứng cho tầm quan trọng của thủ đô trong lịch sử thuộc địa vùng Trung Mỹ xưa kia.

Antigua là trung tâm của một số vùng trồng cà phê nổi tiếng nhất ở Guatemala, hoạt động canh tác ở đây rất có thể là nguyên nhân dẫn tới việc tái định cư thời hậu thuộc địa sau khi nơi này bị bỏ hoang vì trận động đất năm 1776.

Dễ dàng nhận thấy những cánh đồng, thung lũng và sườn núi xung quanh Antigua ngập tràn cà phê. Trước năm 1776, danh tiếng về cà phê chất lượng cao của Antigua đã được khẳng định. Trong khi xuất khẩu ở thế kỷ 18 của Trung Mỹ chủ yếu là mía, chàm và Cochineal (một loại thuốc nhuộm nguồn gốc từ côn trùng có tuổi thọ ngắn), thì các tu sĩ Dòng Tên Tây Ban Nha đã trồng cà phê ở đây trước năm 1767.

Quang cảnh từ những cánh đồng cà phê ở Antigua bị che khuất bởi Volcán de Fuego, một trong ba ngọn núi lửa đang hoạt động mạnh ở Guatemala. Hiện có tới ba mươi tư ngọn núi lửa khác nằm rải rác ở Guatemala, trong đó nhiều ngọn không còn hoạt động hoặc đã chết, tàn tích và những sự kiện địa chấn khiến nơi đây được biết tới như một Vành đai lửa. Đặt chân tới đây, chúng ta dễ dàng nhìn thấy những chùm khói tỏa ra từ Fuego. Gần đây nhất vào ngày 3 tháng 6 năm 2018, núi lửa đã phun ra lượng lớn dung nham khiến gần 200 người thiệt mạng và phủ bụi khắp khu vực. Bạn của tôi, Raúl Peréz, người điều hành trang trại Finca La Soledad đã chia sẻ tấm hình bên dưới lên Instagram, thật sự ám ảnh!

Gần đây tôi có nói chuyện với Melanie Walleska Herrera Moreira, làm việc tại Bella Vista – một tổ chức cà phê có trụ sở tại Antigua bao gồm quản lý và vận hành trang trại, chế biến sau thu hoạch và xuất khẩu cà phê. Cô ấy giúp bán cà phê nhân, quản lý mối quan hệ khách hàng và ứng dụng mạng xã hội, xây dựng chuỗi các nhà sản xuất nhỏ (truy xuất nguồn gốc) và hỗ trợ họ trong các vấn đề sản xuất và chất lượng, tính toán chi phí, lập ngân sách cho các trang trại, giảng dạy trong một chương trình mà chúng tôi có với Anacafe và APCA ở Antigua. Nhờ sự năng động của Melanie, thông qua mạng xã hội, cà phê đã dễ dàng tiếp cận số đông người quan tâm hơn, cô đại diện cho một thế hệ nông dân mới tại đây khi áp dụng Internet vào trong công việc tiếp thị.

/

Mảnh đất nằm ở những ngọn núi đón gió Thái Bình Dương từ phía Tây Nam của đất nước là trung tâm sản xuất cà phê. San Marcos, Atitlan, Acatenango, Angitua, cao nguyên Fraijanes và Nueva Oriente, hình thành chuỗi mắt xích các vùng canh tác từ Mexico đến El Salvador. Nhưng các nhà rang cà phê đặc sản quen thuộc lại nằm ở vùng khác như Huehuetenango xa xôi, nằm ở phía Tây Bắc, nơi sinh sống của nhiều bộ tộc, đa số thuộc các nhóm Maya bản địa.

Ảnh: Royal Coffee

Giá cà phê thấp kết hợp với việc tăng cường tuần tra biên giới, đàn áp dân nhập cư và điều kiện sống khắc khổ trong các trung tâm giam giữ người nhập cư trái pháp vào Hoa Kỳ luôn trở thành tiêu điểm trên báo chí. Việc áp dụng các chính sách cứng rắn đã làm giảm số lượng người nhập cư mới đến Mỹ trong những năm gần đây, nhưng cách đối xử với người nhập cư, đặc biệt là những người từ Mesoamerica cố gắng vào Mỹ thông qua Mexico, trong một số trường hợp, đã đạt đến mức khủng hoảng nhân đạo.

Trong ngành của chúng tôi, có một câu hỏi đặt ra: Liệu những người nông dân Trung Mỹ chạy sang Mỹ đã khiến giá cà phê Guatemala trở nên thấp tồi tệ đến vậy? Các bài viết được xuất bản gần đây trên The Washington PostThe Independent, Time Magazine và Quartz có đề cập đến một số liên quan. Lý do những người nông dân rời đi, có thể lý giải qua sự bất ổn chính trị trong nước, nhiều chính sách kinh tế xã hội mang tính trừng phạt của các cường quốc đè nặng đã khiến Guatemala phải đối mặt với sự bấp bênh, không bền vững.

Gác lại những bất lợi đó, tích cực hơn thì thấy Guatemala hiện có rất nhiều điều kiện để mang tới một tương lai tươi sáng hơn cho người trồng cà phê, đất nước có khí hậu và độ cao thuận lợi để tiếp tục phát triển cà phê đặc sản.

Alejandro Solis. Ảnh: Royal Coffee

Tôi thường trao đổi với Alejandro Solis, hiện đang quản lý hai bất động sản của gia đình có tên Huixoc và Injertal ở Huehuetenango. Là nông dân thuộc thế hệ thứ ba, Solis tập trung đầu tư vào công nghệ môi trường cho hệ thống trang trại của gia đình nhằm đảm bảo yếu tố an toàn khi canh tác cà phê đặc sản. Ông đã sớm nhận thấy ảnh hưởng từ những biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng tác động tiêu cực tới đời sống nông nghiệp. Dữ liệu khí hậu ông thu thập đã được sử dụng để giúp dự đoán nhiệt độ và lượng mưa, đồng thời góp phần tạo nên một báo cáo khoa học ấn tượng do Tiến sĩ Peter Baker tại Climate Edge, một công ty có trụ sở tại Vương quốc Anh thực hiện.

Khi hỏi Solis về việc tôi mong muốn chia sẻ dữ liệu mà ông đã thu thập, tôi nhận được câu trả lời như sau: “Khách hàng của anh cần biết những gì người nông dân trồng cà phê đang phải đối mặt. Thời tiết diễn biến thất thường đã làm tăng rủi ro trong sản xuất cà phê. Việc ra hoa, gieo trồng, bón phân, thu hoạch và tất cả các công việc lao động khác đều bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thời tiết… và tất nhiên là chất lượng. Vì vậy, tôi nghĩ chủ đề này luôn quan trọng để mọi người học hỏi.”

Ảnh: Royal Coffee

Hiện tại, hệ thống trang trại của Solis đang sản xuất một số loại cà phê cao cấp của Guatemala. Điều đó không phải tự nhiên có được mà hoàn toàn nhờ vào hệ thống dữ liệu cảnh báo khí hậu ông đã đầu tư. Ông là hình mẫu của thế hệ trồng cà phê đặc sản mới, luôn nỗ lực đưa các biện pháp phòng ngừa và giải pháp cụ thể đối với những thách thức ngắn hạn và dài hạn.

Ảnh: Royal Coffee

/

Giống như hầu hết các quốc gia Trung Mỹ, Guatemala không tránh khỏi những đợt bùng phát của bệnh gỉ sắt trên cây cà phê giai đoạn 2012-2013. Hầu hết nông dân ở Guatemala hiện tại đều trồng hỗn hợp các giống lai tạo. Typica là loại cà phê đầu tiên được giới thiệu ở đây, sau này cây Bourbon mới xuất hiện. Cũng như cây Caturras, chúng đều dễ nhiễm bệnh gỉ sắt trên lá. Các giống lai giữa Catimor và Sarchimor vốn phổ biến tại các vùng thấp ở Guatemala dần trở nên quan trọng do khả năng kháng bệnh gỉ sắt và cho năng suất cao. Nhưng yếu tố gen Robusta bên trong chúng lại khiến các nhà rang chê bai bởi chất lượng không cao.

Để đảm bảo cân bằng giữa yếu tố sản lượng và chất lượng là rất khó, các nhà sản xuất bị mất đi cơ hội nhận được mức phí bảo hiểm siêu cao hoặc được quốc tế công nhận.

Trung tâm nghiên cứu của Anacafé – Analab, đã tiến hành thử nghiệm và sàng lọc một số giống cây trồng mới nhằm đáp ứng nhu cầu cạnh tranh về chất lượng và sản lượng kèm khả năng kháng bệnh. Trên thực tế, họ đã âm thầm làm điều này trong gần 30 năm. Từ đầu những năm 1980, ở đông nam Chiquimula, gần biên giới Honduras, một nông dân tên là Francisco Manchamé đã quan sát thấy một thứ gì đó kỳ lạ trong trang trại của mình. Catimors mọc cùng với cây Pacamara tạo ra một giống lai tự phát mới. Manchamé, sau này là Anacafé, đã thực hiện một quá trình “chọn lọc” chuyên sâu, nơi nhiều cây được lai tạo hàng loạt, sau đó chọn những cây con tốt nhất cho các đặc tính kỳ vọng. Cuối cùng, năm 2014, Anacafé bắt đầu phân phối mẫu Hybrid cải tiến có tên Anacafé-14 mà theo họ thà ra đời muộn còn hơn không.

Ảnh: Royal Coffee

Tuy nhiên, việc nghiên cứu và phát triển quá trình nhân giống, trồng trọt, chọn lọc, lai tạo và quan sát đều mất nhiều thời gian, cuối cùng khi tạo ra đủ hạt giống để phân phối với các kết quả di truyền rõ ràng thì vấn đề gặp phải tiếp theo đó là những cây này không thể sinh ra thế hệ con cái mang cùng đặc tính. Các giống cây lai tạo không có được thế hệ tiếp theo đồng nhất, kể cả khi chúng tự thụ phấn. Điều này dẫn tới thực trạng các cây lai đem tới giải pháp kháng bệnh và năng suất nhưng lại khiến người nông dân phụ thuộc vào nhà cung cấp hạt giống để có nhiều cây hơn trong tương lai.

/

Khi nhắc tới cà phê đặc sản của Guatemala, nhiều người chỉ nghe tới những cái tên phổ biến như Huehuetenango và Antigua. Nhưng ở khu vực cao nguyên miền Trung thường được gọi là Cobán, thị trấn này cũng mang tới không ít tiềm năng. Đây là nơi sản xuất phần lớn sản lượng thảo quả của thế giới (Guatemala chiếm 60% nguồn cung toàn cầu), vùng Alta Verapaz gần thành phố Cobán là địa bàn sinh sống của những người trồng cà phê.

Luis ‘Wicho’ Valdés. Ảnh: Royal Coffee

Finca San Lorenzo là một khu đất rộng 225 mẫu Anh ở Alta Verapaz, Luis Valdés, được gọi một cách trìu mến là ‘Wicho’ để phân biệt anh với người cha và người ông, những người cũng có tên Luis, đã điều hành San Lorenzo từ năm 1999.

Wicho bắt đầu theo cha đi khắp khu đất khi anh còn nhỏ và sau đó lấy bằng kỹ sư nông nghiệp trước khi quản lý sản nghiệp của gia đình. Mưa liên tục suốt năm tại Finca San Lorenzo khiến Wicho phải sử dụng kinh nghiệm và học vấn của mình nhằm vượt qua trở ngại này. Toàn bộ khu đất được tạo kiểu bậc thang để bảo vệ chống xói mòn sau những trận mưa lớn vào mùa hè. Quy trình sấy cũng được Wicho hoạch định rõ ràng như mang lên luống cao hoặc dùng máy sấy cơ học để đối phó với những cơn mưa mùa đông không thể đoán trước trong những vụ thu hoạch.

Tôi nhớ lại chia sẻ của Melanie Herrera về trải nghiệm ở Antigua cũng tương tự như vậy:

“Hiện tượng biến đổi khí hậu và tất cả những điều liên quan khiến người trồng cà phê phải dựa vào công nghệ để có thể sản xuất nhiều hơn và ngon hơn cà phê nhờ sử dụng ít tài nguyên đất sản xuất hơn, ít nước hơn. Việc quản lý cây trồng chính xác sẽ cải thiện tính bền vững về kinh tế và môi trường. Thông tin chính xác hơn về các yếu tố đầu vào của cà phê trở thành yêu cầu cụ thể cho mỗi đơn vị sản xuất, nhu cầu tưới tiêu được tối ưu để sử dụng nguồn nước hiệu quả, tránh lãng phí. Máy bay không người lái hỗ trợ bón phân, kiểm soát dịch bệnh. Thậm chí cần phải phá vỡ mô hình trồng trọt truyền thống như tính toán lại khoảng cách cây trồng để sử dụng đất hiệu quả hơn.”

Ảnh: Royal Coffee

Theo Herrera, vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt với tư cách là một quốc gia trồng cà phê. Guatemala luôn nhất quán về chất lượng nhưng vô tình lại quên đi yếu tố năng suất. Tuy nhiên nhiều quốc gia hiện tại có quan điểm tập trung nhiều hơn vào chất lượng với chi phí lao động rẻ hơn khiến cà phê của họ rất cạnh tranh. Điều đó khiến cho Guatemala phải đảm bảo mục tiêu kép giữa chất lượng và năng suất cà phê ở tầm quốc gia . Điều này đòi hỏi sự đầu tư, giáo dục và nguồn lực lao động tốt. Đó đã, đang và sẽ là thách thức rất lớn với quốc gia này.


Tác giả
Chris Kornman