Myanmar là một quốc gia độc lập ở Đông Nam Á, lịch sử ghi nhận đây từng là vương quốc được cai quản bởi nhà vua, sau đó trở thành thuộc địa của Anh vào năm 1886. Từ năm 1948 – 1962, đất nước hưởng nền độc lập kéo dài gần hai thập kỉ, sau đó Myanmar bước vào giai đoạn chịu sự quản lý bởi quân đội từ năm 1962 tới năm 2011. Đây là thời kì nền kinh tế đất nước không có nhiều khởi sắc bởi các lệnh trừng phạt của các cường quốc trên thế giới khiến hoạt động kinh doanh, du lịch, giao lưu văn hoá gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Ngày nay, Myanmar là một đất nước sôi động và đầy màu sắc nhất, là điểm đến của rất nhiều khách du lịch, để tìm hiểu quá khứ huyền bí và đời sống hiện tại của đất nước Phật giáo này. Bên cạnh ngọc bích, đá quý, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, Myanmar gần đây còn được biết đến trên bản đồ cà phê đặc sản khi những mẫu cà phê đầu tiên đã được giới thiệu trở lại vào năm 2016 tại La Colombe ở Philadelphia (Hoa Kỳ) với sự hợp tác của Winrok International, Atlas Coffee Importers, USAID và CQI đại diện bởi Andrew Hetzel.

Sau giai đoạn chuyển biến chính trị năm 2011, Myanmar dần chuyển mình từ một nước nghèo sang mô hình một quốc gia phát triển. Yangon là thủ đô của Myanmar, thời tiết tại đây nóng và ẩm dễ khiến chúng ta cảm thấy khó chịu khi đi lang thang khám phá thành phố, tuy nhiên, vẻ đẹp dịu dàng và cổ kính lại làm chúng ta bị mê hoặc, đặc biệt khi ngắm nhìn những ngôi chùa mang nét đẹp cổ kính.

Chợ cà phê đặc sản của Myanmar

Mục tiêu chính của tôi là tìm hiểu và thăm quan thị trường cà phê đặc sản của Myanmar, những nỗ lực do Winrok International cùng với USAID thực hiện nhằm thay đổi thực tiễn giúp phát triển nền nông nghiệp hiệu quả hơn. Đề xuất những sáng kiến giúp cho cà phê địa phương có giá thành cao hơn để tăng thu nhập cho người dân, qua đó làm ra những gì tốt nhất mà ngành cà phê đặc sản ở Myanmar có thể mang lại.

Cà phê được các nhà truyền giáo du nhập vào Myanmar vào năm 1885, chủ yếu là hạt Robusta. Tới năm 1930, các nhà truyền đạo Công giáo La Mã đã mang cà phê Arabica tới rồi trồng dọc bang Shan ở phía Nam và huyện Pyin Oo Lwin ở phía Bắc. Theo báo cáo năm 1940 từ Bộ Nông nghiệp Myanmar, 95 tấn cà phê nội địa đã được xuất khẩu giai đoạn 1932-1936. Trước khi USAID khởi xướng dự án, cà phê Myanmar hầu hết được xuất khẩu sang Trung Quốc và Thái Lan với giá rất rẻ, nơi người mua sẽ không trả nhiều hơn 2.0 USD / kg.

Sau 2 ngày ở Yangon, tôi lên xe đi tới Mandalay, kinh đô cũ của Hoàng gia nằm ở phía Bắc Myanmar, xe giường nằm đi xuyên đêm, mất khoảng 9 giờ. Từ Mandalay, tôi phải đi taxi thêm hai giờ về phía Bắc để đến Pyin Oo Lwin, một thị trấn ở trên đồi thuộc vùng cao Shan – nơi có hầu hết các loại cà phê ngon của Myanmar. Cảnh quan thiên nhiên nơi đây rất đẹp và dễ chịu với khí hậu mát mẻ hơn Yangon. Tôi đã liên hệ với nhà sản xuất cà phê Sithar Coffee và được giám đốc điều hành Min Hlaing giúp đỡ rất nhiều trong hành trình khám phá loại cà phê ngon nhất của đất nước này. Chính Min đã giúp tôi nhanh nhất tiếp cận và hình dung ra bức tranh tổng thể về công việc của các cơ sở sản xuất cà phê tại đây.

Chính xác thì điều gì đang xảy ra trong ngành cà phê Myanmar?

Theo Winrock International, dự án Chuỗi Giá trị vì Phát triển Nông thôn do USAID tài trợ đã gắn kết các hộ nông dân quy mô nhỏ và hộ nghèo ở nông thôn vào chuỗi giá trị thương mại cạnh tranh nhằm tăng năng suất lao động, qua đó đạt được tăng trưởng nông nghiệp. Đây là dự án kéo dài 5 năm (2014 – 2019, mục tiêu chính nhằm cải thiện cách thức thu hoạch và chế biến cà phê, tiếp thị tới các thị trường quốc tế để xuất khẩu trong nước. Nâng cao chất lượng từ sản xuất và chế biến thông qua thử nghiệm, sản xuất cà phê đặc sản có giá trị cao cho thị trường toàn cầu là một trong những mục tiêu chính của các tổ chức như Winrock và USAI, giúp Myanmar trở thành một phần của ngành công nghiệp cà phê vốn trước đây không được giám sát do bất ổn chính trị.

Thăm trang trại

Chuyến ghé thăm đầu tiên của tôi là trang trại cà phê Sithar, chuyên gia trồng cà phê của Myanmar nằm trên độ cao khoảng 3.500 feet so với mực nước biển. Các loại giống chính được trồng tại Sithar là SL34, Catimore và S795 với điểm số chất lượng được Viện Chất lượng Cà phê đánh giá đạt 83. Sithar là nhà đầu tư lớn nhất của Tập đoàn Cà phê Mandalay, vốn là nhà máy chế biến và phòng thử nếm (cupping) do USAID tài trợ, đồng thời hỗ trợ xuất khẩu cà phê của đất nước này sang Nhật Bản, Châu Âu và gần đây đến Mỹ. Công trình được xây dựng với sự nỗ lực từ cộng đồng nông trại cà phê địa phương. Sithar đã khuyến khíc phụ nữ lao động trong ngành cà phê và sử dụng công nghệ rang hàng đầu đến từ Dietrich.

Bên cạnh việc sản xuất cà phê trên đồn điền của riêng mình (40 mẫu Anh với hơn 40.000 cây cà phê được trồng), Sithar tiến hành thu mua cà phê từ các nông hộ nhỏ khác và bán cho các quán cà phê trên khắp Myanmar. Việc thu hoạch đúng cách là điều Sithar đặc biệt lưu tâm, họ chỉ hái quả cà phê đã chín để giữ được hương thơm và mùi vị.

Sithar sử dụng đồng thời cả ba phương pháp sơ chế tự nhiên (natural), sơ chế ướt (fully-washed) và sơ thế mật (honey) cho từng loại hạt để làm nổi bật hương vị của nguồn gốc. Quá trình lên men được giám sát cẩn thận để tránh bất kỳ hương vị không mong muốn nào xuất hiện, cà phê thuờng được phơi nắng tự nhiên đến độ ẩm 11-12%. Thực tế thú vị nhất mà tôi tìm thấy ở Pyin Oo Lwin là hầu hết các trang trại cà phê đều có khu vưc trồng cà phê dưới bóng râm, đây là yếu tố quan trọng để quả cà phê trưởng thành, đồng thời bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Rừng tự nhiên trong trang trại của Sithar dùng để che bóng mát cho cây cà phê, phân bón sinh học được sử dụng toàn bộ theo chuẩn hữu cơ, thay vì can thiệp bằng hoá chất.

Khí hậu hoàn hảo của Pyin Oo Lwin cũng khiến nơi đây trở thành nơi lý tưởng nhất để cà phê Arabica phát triển mạnh với nhiệt độ hàng ngày tối ưu là 20 độ C và lượng mưa khoảng 140 cm mỗi năm.

Tôi có cơ hội được nếm cà phê trong cuộc thi Cupping năm đó tại Mandalay Coffee Group mang tầm quốc gia, tôi đã bị sốc thực sự và ngạc nhiên hơn khi biết rằng những giống cây như Catimor và S795 thường không quá ấn tượng khi nếm thử lại thay đổi nhận thức của bản thân tôi đến vậy, quá ấn tượng về giống cây trồng và những điều còn ẩn giấu bên trong hạt cà phê tại Myanmar. Dường như người dân khu vực Pyin Oo Lwin không quá quan tâm đến sản lượng, họ hài lòng với năng suất họ đạt được khi mà chất lượng cà phê của họ đang ngày một nâng cao.


Tác giả
M. Sebastian